Danh mục sản phẩm
Phụ kiện thang máy
Tin tức
Cập nhật: 13-06-2023 03:00:49 | Tin tức | Lượt xem: 23668
Giải pháp lắp đặt thang máy cho một số công trình cầu bộ hành tại các khu vực có lưu lượng người sử dụng lớn giúp tăng khả năng tiếp cận của các đối tượng gặp vấn đề về xương khớp, khó khăn trong việc di chuyển lên những bậc thang cao, dốc.
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội thực hiện năm 2019 về giải pháp tăng cường nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng hệ thống cầu vượt bộ hành tại Hà Nội, có gần 60% trong tổng số 300 người tham gia khảo sát có sử dụng cầu bộ hành.
Tuy nhiên, trong số này, có 40% là khách vãng lai, 30% là học sinh sinh viên còn những người dân sống hai bên đường lại rất ít sử dụng.
Có thể thấy, bên cạnh sự an toàn khi sử dụng cầu, hầm đi bộ, có nhiều lý do khiến cầu, hầm đi bộ chưa phát huy được công năng, kém hấp dẫn trong mắt người đi bộ. Trong đó là vấn đề liên quan tới thiết kế của các công trình này.
Các cầu, hầm đi bộ có lối cầu thang được thiết kế khá cao, với đối tượng là người già, người khuyết tật, người có vấn đề về xương khớp,… thì việc di chuyển trở nên khá khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã bổ sung hạng mục thang máy tại 9 công trình cầu bộ hành kết nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Đây là một trong số 11 dự án vừa được Sở GTVT TP HCM đề xuất tới UBND TP HCM trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 7 sắp tới.
Theo đó, nhằm tạo thuận lợi và an toàn cho người dân đến các nhà ga trên cao tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), 9 cầu vượt bộ hành được xây dựng bắc qua Xa lộ Hà Nội. Dự kiến, các cầu bộ hành này hoàn thành vào cuối năm 2023, cùng tiến độ với tuyến Metro 1.
Nhằm phục vụ tốt hơn cho người già, trẻ em và người khuyết tật, Sở GTVT TP HCM đề xuất lắp đặt thang máy tại các cầu vượt bộ hành này với tổng mức đầu tư 60,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Trong đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đang triển khai thi công cầu bộ hành tại 4 nhà ga, gồm Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long và Công Nghệ Cao. Với các cầu tại 5 ga còn lại (Thảo Điền, An Phú, Bình Thái, Thủ Đức và Đại học Quốc gia TP HCM), đơn vị đang tích cực phối hợp cùng các bên liên quan để hoàn tất việc di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xây dựng.
Thiết kế cầu bộ hành xung quanh khu vực Metro số 1
Theo thiết kế, mỗi cầu bộ hành dài hơn 70m, rộng 3,5m, kết nối từ tầng trung chuyển khách của nhà ga với khu dân cư, trạm xe buýt bên đường. Cầu được thiết kế đồng bộ kiến trúc với nhà ga chính, tối ưu hóa về diện tích sử dụng, diện tích trồng cây xanh.
Ngoài ra, cầu có mái che và khung thép được thiết kế thông thoáng, bảo đảm ánh sáng, nâng cao sự thoải mái, thuận tiện cho người đi bộ đến các ga trên cao. 9 cầu này không chỉ giúp kết nối hành khách mà còn là hướng thoát hiểm chính của nhà ga trong trường hợp khẩn cấp.
Metro số 1 dài khoảng 20km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Dự án hiện đạt khoảng 95% tổng khối lượng.
Hiện Hà Nội và TP HCM có khoảng 110 cầu bộ hành (chưa tính hầm đi bộ). Các cầu, hầm đi bộ thường được lắp đặt tại các nút giao cắt hoặc tuyến phố có mật độ giao thông gần khu vực bệnh viện, trường học nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Trên thực tế, nhiều trường hợp người dân thay vì đi qua các cầu, hầm đi bộ khang trang thì lại lựa chọn băng qua đường, nơi các phương tiện cơ giới đi với tốc độ cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người bộ hành, nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Cầu bộ hành tại khu vực Bệnh viện K cơ sở Tân Triều
Hầm đi bộ dọc đường Vành đai 3 Hà Nội
Chẳng hạn như trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều thuộc địa bàn xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), dù cầu bộ hành được xây dựng cách đó chỉ vài mét nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà không ngại nguy hiểm để băng qua đường không đúng nơi quy định. Tình trạng này cũng diễn ra tại khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tình trạng “ế” người đi bộ cũng diễn ra với nhiều hầm đi bộ dọc đường Vành đai 3, nút giao Ngã Tư Sở,… dù các hầm này đều được dọn vệ sinh sạch sẽ, đầu tư đèn chiếu sáng và bảng chỉ dẫn.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, năm 2022, Việt Nam xảy ra trên 1.000 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, chiếm 1,92% tổng số vụ tai nạn giao thông, khiến 580 người tử vong và làm bị thương trên 700 người. Con số này cho thấy, người đi bộ là nhóm người chịu nhiều rủi ro khi tham gia giao thông cùng với các phương tiện cơ giới khác.
Thang máy ngoài trời đã trở thành giải pháp tối ưu được nhiều quốc gia áp dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận của người khuyết tật, người cao tuổi tại các khu vực có địa hình dốc, cao hơn so với bề mặt chung.
Thang cuốn ngoài trời tại Hong Kong
Chẳng hạn như hệ thống thang cuốn ngoài trời dài nhất thế giới được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1993 tại Hong Kong. Hệ thống thang cuốn này có tổng chiều dài hon 800m, chiều cao nhất của thang đạt 135m. Thang cuốn bắt đầu từ giữa Trung Hoàn (Central District) nhộn nhịp và đi dần về phía khu dân cư cao cấp Mid-Levels.
Công trình này có tổng chi phí lên tới 245 triệu HKD (hơn 734 tỷ đồng), vượt qua ngân sách của thành phố tới 153%. Hệ thống gồm tổng cộng 20 thang cuốn, 3 lối di chuyển, kết nối với mặt đất bằng cầu vượt cho người đi bộ và 14 lối vào. Đi hết chiều dài của thang, du khách cần tới 20 phút.
Thang cuốn dài nhất Trung Quốc, thứ nhì châu Á ở Trùng Khánh
Bên cạnh đó, tại Trùng Khánh, Trung Quốc, thành phố này được nhiều người nhắc tới với hệ thống giao thông nhằng nhịt, đa chiều như mê cung và ma trận. Để di chuyển, ngoài hệ thống đường sắt nội đô, người dân nơi đây đôi khi không đi bộ hay lái xe như thường thấy, mà sử dụng hệ thống thang máy lên xuống ngược xuôi…
Thang cuốn dài 112m, tương đương một tòa nhà 31 tầng, có độ dốc 30 độ, là một trong số đó. Đây là thang cuốn dài nhất ở Trung Quốc và thứ nhì châu Á, mang tên Hoàng Quan. Người dân ở đây sẽ phải mua vé để được đi thang với giá 2 nhân dân tệ (gần 7.000 đồng) cho một lượt lên hoặc xuống với thời gian khoảng 2 phút 30 giây.
Ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cũng có một chiếc thang cuốn được xây dựng trong hẻm núi Enshi nhằm phục vụ khách du lịch. Với phí tham quan là 20 nhân dân tệ (khoảng 65.000 đồng), hệ thống thang cuốn này sẽ đưa khách du khách đi qua quãng đường dài tới 688m, đạt công suất 7.300 khách trong một giờ và ước tính vận chuyển khoảng 300.000 người mỗi năm.
Thang cuốn ngoài trời tại hẻm núi Enshi, Trung Quốc
Hay tại vườn quốc gia Trương Gia Giới, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, quốc gia này cũng tiến hành lắp đặt thang máy ngoài trời với tên gọi là Bách Long, được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là thang máy ngoài trời cao nhất thế giới với chiều cao 330m. Bạn đọc có thể xem lại bài viết Top 10 Thang Máy Đắt Tiền Nhất Thế Giới
Hệ thống thang máy ngoài trời này có sức chứa lên đến 50 người mỗi lượt, Bách Long có thể đưa 1.380 người lên đỉnh núi mỗi giờ. Nếu lựa chọn đi thang máy, du khách chỉ tốn khoảng 1 phút 32 giây để lên thay vì 2 tiếng rưỡi leo núi. Tổng kinh phí xây dựng thang máy Bách Long lên đến 120 triệu nhân dân tệ (hơn 395 tỷ đồng).
Có thể thấy, việc lắp đặt thang máy cho một số cầu bộ hành tại các khu vực có lưu lượng người sử dụng lớn như bệnh viện, trường học, giao lộ,… hay tại các công trình metro cũng là giải pháp tối ưu giúp công trình này phát huy công năng, tiện ích và thu hút người sử dụng hơn.
>>> Có thể bạn quan tâm: Thang Máy – Bước Chân Nhân Tạo Kỳ Diệu
Thang Máy Tân Phát là một trong những công ty chuyên kinh doanh, lắp đặt thang máy hàng đầu tại Quảng Ninh. Tân Phát cam kết đem lại cho khách hàng những sản phẩm thang máy chất lượng nhất với nhiều ưu đãi và chính sách mua hàng hấp dẫn. Liên hệ ngay để nhận được những lời tư vấn giá trị đến từ kỹ sư nhiều kinh nghiệm:
-----------------------------------